Kinh nghiệm xin visa

Một trong những trở ngại lớn nhất của người Việt Nam khi đi du lịch chính là visa. Rất nhiều người đã viết thư cho mình hỏi xin visa thế nào, nên mình viết luôn ở đây để chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Kinh nghiệm mình cũng chưa nhiều, nên có gì sai sót thì mọi người góp ý với nhé.

Hộ chiếu Việt Nam xin visa, khó hay dễ?

Hộ chiếu Việt Nam được đánh giá là một trong những hộ chiếu mang lại ít tự do du lịch nhất. Nhưng khó không có nghĩa là không thể. May mắn hơn người mang hộ chiếu nhiều nước (như người mang hộ chiếu Israel bị cấm đến nhiều nước đạo Hồi), người mang hộ chiếu Việt Nam không bị cấm đến bất kỳ một quốc gia nào. Độ khó của việc xin visa cũng tùy thuộc từng nước. Xin visa sang các nước khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand và các nước phát triển đúng là rất khó. Nhưng xin visa đi các nước châu Á dễ hơn nhiều. Hầu hết các nước châu Phi và nhiều hòn đảo, để khuyến khích du lịch, cũng không gây cho người Việt bất kỳ trở ngại nào. Danh sách các nước miễn visa cho người Việt hoặc người Việt có thể xin visa khi đến có thể xem tại đây. Ngoài ra, do nhiều quốc gia không có sứ quán tại Việt Nam (rất nhiều nước châu Phi thuộc trường hợp này), ta tự động đủ tiêu chuẩn để xin visa khi đến (visa on arrival) cho những quốc gia này (có một số ngoại lệ, như Ethiopia. Bạn cần phải tìm hiểu từ trước).

Nên xin visa từ đâu?

Độ khó của việc xin visa cũng tùy thuộc vào nơi bạn xin visa, bởi sứ quán của cùng một nước tại những nơi khác nhau có chính sách khác nhau. Có thể ở Việt Nam, xin visa từ đại sứ quán ở Hà Nội hay lãnh sự quán ở Hồ Chí Minh không tạo ra nhiều khác biệt, nhưng chắc chắn xin visa từ Việt Nam hay từ nước thứ 3 khác nhau rất nhiều. Khi xin visa từ một nước thứ 3, có 4 trường hợp có thể xảy ra:

Xin từ nước thứ 3 khó hơn xin từ Việt Nam

Với hầu hết quốc gia, điều này là đúng. Khi xin từ nước thứ 3, đôi khi sứ quán ở nước thứ 3 này phải liên hệ sứ quán ở Việt Nam để chứng thực rất phức tạp.

Xin từ nước thứ 3 dễ hơn xin từ Việt Nam

Nhưng nhiều khi, xin từ nước thứ 3 dễ hơn nhiều, nhất là nếu bạn xin từ quốc gia láng giềng của quốc gia bạn muốn đến. Ví dụ: xin visa Bangladesh từ Kolkata, Ấn Độ sẽ dễ hơn xin visa Bangladesh từ Hà Nội. Khi bạn xin từ nước thứ 3, rất có thể bạn sẽ được hưởng cùng chính sách với người dân bản địa.

Chỉ có thể xin từ nước thứ 3

Một số quốc gia, như Ethiopia, không có sự quán tại Việt Nam và cũng không cho người Việt visa khi đến. Cách duy nhất để xin visa cho những quốc gia này là xin từ nước thứ 3, thông thường là nước lân cận như Thái Lan hoặc Trung Quốc.

Không thể xin từ nước thứ 3

Mỗi quốc gia có hàng chục hay hàng trăm sứ quán ở khắp nơi trên thế giới, nếu bạn gặp rắc rối ở sứ quán này thì bạn luôn có thể thử lại ở sứ quán khác. Vậy nên, trường hợp này chắc chắn là rất rất hiếm.

Nhiều nước không cấp visa nhiều hơn 3 tháng trước ngày nhập cảnh, nên nếu bạn đang đi một chuyến đi dài ngày như mình, cách duy nhất để xin visa là xin từ nước thứ 3. Nhưng nếu có thể, tốt nhất là bạn nên xin từ Việt Nam trước, xin họ gia hạn visa dài ngày. Hoặc, có thể nhờ đại sứ quán tại Việt Nam giới thiệu đến cũng đại sứ quán nước đó ở nước bạn định xin visa. Nếu bắt buộc bạn phải xin visa từ nước thứ 3, bạn cần tìm hiểu nơi nào xin visa dễ nhất. Đừng lười, bạn có thể google hoặc vào trực tiếp website của Bộ ngoại giao nước đó để tìm hiểu.

Thủ tục và yêu cầu xin visa?

Bạn có thể tìm hiểu về chính sách cấp thị thực của từng quốc gia trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao của quốc gia đấy. Ví dụ, nếu bạn muốn tìm kiếm thông tin visa cho một nước, vào Google, gõ "Ministry of Foreign Affairs + tên nước" để tìm website của Bộ Ngoại giao nước đó. Khi đã vào trang web này, bạn có thể vào phần Visa hoặc Consular để đọc về yêu cầu, thủ tục xin visa cho nước này. Bạn cũng có thể vào phần "Mission Abroad" để xem danh sách sứ quán của nước đó tại nước ngoài. Tốt nhất là gọi điện hỏi trực tiếp sứ quán mà bạn muốn nộp đơn xin visa, bởi yêu cầu và thủ tục để xin visa thay đổi theo thời gian và khác biệt tùy vào đại sứ quán. Thông thường, hồ sơ xin visa sẽ bao gồm:

- Hộ chiếu (thường sẽ yêu cầu hộ chiếu có hiệu lực trong ít nhất 6 tháng, và 2 trang trống để gắn visa)

- Đơn xin visa (Application Form)

- Ảnh chân dung

- Bản photocopy hộ chiếu (có thể yêu cầu, có thể không)

- Vé máy bay khứ hồi (có thể yêu cầu, có thể không)

- Đặt phòng khách sạn (có thể yêu cầu, có thể không)

- Thư mời (có thể yêu cầu, có thể không)

- Chứng minh tài chính (có thể yêu cầu, có thể không)

- Bảo hiểm du lịch (có thể yêu cầu, có thể không)

Trong nhiều trường hợp, sứ quán sẽ chỉ yêu cầu 3 tài liệu đầu tiên. Với vé máy bay khứ hồi, nếu sứ quán yêu cầu, bạn có thể giải thích là bạn đi bằng đường bộ hay gì gì đó nên không cần vé máy bay ra, nhiều trường hợp sứ quán vẫn chấp nhận. Với đặt phòng khách sạn, bạn có thể giải thích là bạn sẽ ở với bạn bè hay người thân. Trong trường hợp này, họ có thể sẽ yêu cầu thư mời từ người bạn sẽ ở nhờ. Nếu bạn không quen biết ai, thì có thể hỏi bạn bè, lên CouchSurfing làm quen với người ở quốc gia đó (nhưng lưu ý là cần dành thời gian tìm hiểu người đó trước và giải thích với họ về hoàn cảnh của bạn, đừng lạm dụng CouchSurfing), hoặc liên hệ với một công ty du lịch ở quốc gia đó nhờ người ta viết thư mời cho (có thể sẽ phải trả một khoản nhỏ). Chứng minh tài chính và Bảo hiểm du lịch, nếu yêu cầu, bạn phải tự tìm cách thôi :D Cần nhớ rằng, những người làm ở đại sứ quán cũng là người, và nếu bạn có thể làm người hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của mình, họ có thể cấp visa cho bạn dù bạn có thiếu một vài tài liệu.

Xin visa đúng là khó, nhưng không phải là khó đến mức ngăn cản bạn thực hiện ước mơ của mình. Nếu bạn muốn đi du lịch, xách ba-lô lên và đi. Không có gì là không thể. Ai có câu hỏi gì thêm thì cứ post ở đây nhé. Ai có kinh nghiệm xin visa thì cũng chia sẻ luôn nhé :D