Ăn ở Nhật Bản

Đây là bài viết về việc Ăn ở Nhật Bản. Thông tin du lịch về Nhật Bản xin đọc tại đây: Nhật Bản

Ẩm thực Nhật Bản, nổi tiếng về độ tươi ngon và nguyên liệu theo mùa, đã chinh phục cả thế giới. Thành phần chủ đạo của hầu hết các bữa ăn là cơm trắng, thường được ăn nóng, và thực ra từ tiếng Nhật của nó gohan (ご飯) cũng có nghĩa là “bữa ăn”. Đậu tương là nguồn protein chủ yếu và có thể chế biến theo nhiều cách, đáng chú ý nhất là súp miso (味噌) được ăn với các bữa ăn, ngoài ra còn có đậu phụ tōfu (豆腐) và tương đậu nành (醤油 shōyu) rất phổ biến. Hải sản đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực Nhật Bản, không chỉ bao gồm những sinh vật biển mà cả rất nhiều loại tảo biển, và một bữa ăn hoàn chỉnh luôn được bổ sung thêm cả một ít dưa góp (漬物 tsukemono).

Một trong những điều thú vị khi ra khỏi Tokyo và du lịch ở Nhật đó là khám phá đặc sản địa phương. Mỗi vùng miền đều có một số món ăn rất ngon làm từ các loại cá và rau củ sẵn có ở địa phương. Ở Hokkaido hãy thử sashimi và cua tươi ngon. Ở Osaka đừng bỏ lỡ okonomiyaki (お好み焼き) được nhồi đầy hành và những viên bạch tuộc băm (たこ焼き takoyaki).

Phần lớn món ăn Nhật được ăn bằng đũa (箸 hashi). Ăn bằng đũa hóa ra lại là một kĩ năng khá dễ học, mặc dù để dùng thuần thục thì cũng phải mất một thời gian. Một số hướng dẫn dùng đũa cần biết:
• Không bao giờ đặt đũa thẳng đứng trong bát cơm, và không bao giờ được gắp thức ăn gì từ đũa bạn sang đũa người khác. Những hành động này giống với các nghi lễ đám ma. Nếu bạn muốn gắp thức ăn cho người khác, hãy để họ tự gắp từ đĩa của bạn hoặc đặt thẳng thức ăn vào đĩa của họ.
• Khi bạn đã ăn xong, bạn có thể đặt đũa ngang miệng bát hay đũa. Hầu hết các nhà hàng lịch sự sẽ đặt một miếng gỗ hay sứ nhỏ để đặt đũa (hashi-oki). Bạn cũng có thể gập giấy bọc đũa lại để tự tạo cho mình một chiếc hashi-oki.
• Liếm đầu đũa được coi là hành động thấp kém. Thay vào đó hãy ăn kèm một miếng cơm.
• Dùng đũa để di chuyển bát hay đĩa (hay bất cứ thứ gì ngoài thức ăn) là bất lịch sự.
• Dùng đũa chỉ trỏ là bất lịch sự (nói chung chỉ vào mặt người khác là bất lịch sự, khi dùng đũa chỉ thì còn bất lịch sự gấp đôi).
• Xiên thức ăn bằng đũa nhìn chung là bất lịch sự và chỉ nên làm vậy trong khi không còn cách nào khác.

Đũa dùng một lần (wari-bashi) được dùng ở tất cả các nhà hàng cùng với bentō và các loại thức ăn mang về khác. Bạn không nên “mài” đũa sau khi đã tách chúng ra. Nhiều nhà hàng sẽ đưa cho bạn khăn ấm (o-shibori) để lau tay ngay khi bạn ngồi xuống; hãy dùng để lau tay chứ không phải lau mặt.

Nhiều món ăn Nhật đi kèm với các loại nước chấm và rau sống khác nhau. Người Nhật không bao giờ đổ tương đậu nành lên cơm; họ ăn cơm trắng trong bát, hoặc đôi khi đi kèm với furikake, một hỗn hợp tảo biển vụn, cá và gia vị. Tương đậu nành được dùng để chấm sushi trước khi ăn, và họ rưới tương đậu nành lên cá nướng và cả đậu phụ. Tonkatsu (thịt lợn cốt lết) được ăn với một lớp tương dầy, tempura ăn với lớp tương mỏng và nhẹ hơn làm từ đậu nành và dashi (một loại súp gồm cá và tảo biển), trong khi đó gyōza (há cảo) thường được chấm trong hỗn hợp tương đậu nành, dấm và dầu cay.

Hầu hết súp và nước dùng, đặc biệt là súp miso, được uống trực tiếp từ bát sau khi đã ăn hết cái, và nhấc bát lên cho dễ ăn được coi là bình thường. Đối với những loại súp làm món chính như rāmen bạn sẽ được đưa cho thìa. Cơm cari và cơm rang cũng được ăn bằng thìa.

Nhà hàng

Số lượng nhà hàng ở Nhật rất lớn, và bạn sẽ không bao giờ hết chỗ để đi. Vì lý do văn hóa và thực tiễn, người Nhật hầu như không bao giờ mời khách đến nhà, vì thế việc giao lưu gặp gỡ hầu hết là cùng nhau ăn uống ở nhà hàng.

Theo như đánh giá của sách hướng dẫn nổi tiếng Michelin Guide về các nhà hàng ở các thành phố lớn trên thế giới, Tokyo là thành phố “ngon nhất” thế giới với hơn 150 nhà hàng được đánh giá ít nhất là 1 sao (trên tổng số 3 sao).Trong khi đó Paris và London nhận được tổng cộng là 148 nhà hàng.

Phần lớn các nhà hàng theo phong cách Nhật Bản đều có bữa trưa teishoku(定食), hay bữa ăn theo suất cố định. Những bữa ăn như thế này thường bao gồm một đĩa thịt hoặc cá, một bát súp miso, dưa góp và cơm (thường được phục vụ thêm miễn phí). Khẩu phần ăn này chỉ có giá ¥600 nhưng đủ no với những dạ dày cỡ bự. Đối với hầu hết nhà hàng thì thực đơn chỉ viết bằng Tiếng Nhật, nhưng nhiều nhà hàng có mô hình thức ăn đặt ở cửa trước (nhiều mẫu được mô phỏng rất chi tiết và ngon mắt), và nếu bạn không thể đọc thực đơn thì tốt hơn hết là dẫn phục vụ bàn ra ngoài và chỉ vào món mà bạn muốn.

Nhà hàng sẽ đưa cho bạn hóa đơn sau bữa ăn, và bạn sẽ thanh toán ở quầy khi đi – đừng để tiền trên bàn rồi đi mất. Từ tiếng Nhật cho “hóa đơn” là kanjō hoặc kaikei. Khi trời bắt đầu muộn, phục vụ sẽ đến bàn và bảo bạn rằng đã đến lúc để gọi món lần cuối. Khi thực sự đã đến lúc phải đóng cửa, các nhà hàng Nhật Bản có một dấu hiệu chung là họ bắt đầu bật bài “Auld Lang Syne”. (Nhà hàng trên cả nước đều như vậy, trừ những nơi cực đắt đỏ). Điều đó có nghĩa là “hãy thanh toán và đi đi”.

Rất nhiều quán ăn giá rẻ có máy bán hàng để bạn mua vé và đưa vé lại cho phục vụ. Tuy nhiên, ở hầu hết những cửa hàng này, bạn lại phải đọc được Tiếng Nhật. Ở một số cửa hàng này sẽ có trưng bày mô hình bằng nhựa hoặc ảnh của các loại đồ ăn cùng với giá phía trước. Vì thế bạn có thể khớp giá món ăn với những chữ kana chỉ tên món ở các máy bán hàng. Nếu bạn là người cởi mở và dễ thích nghi, có lẽ bạn sẽ chọn ramen shōyu (tương đậu nành) thay cho ramen miso (đậu nành lên men) hoặc bạn có thể sẽ chọn cà ri katsu (thịt lợn cốt lết) thay vì cà ri bò. Bạn sẽ luôn biết trước mình sẽ phải chi bao nhiêu nên không bao giờ bị chi quá tay. Nếu khả năng tiếng Nhật của bạn hạn chế hoặc không có thì những nhà hàng với máy bán hàng kiểu này thật sự là nơi khá dễ chịu bởi bạn không cần hoặc chỉ cần nói rất ít. Hầu hết khách hàng đều bận bịu, nhân viên phục vụ thì không phải lúc nào cũng thích nói chuyện và sẽ chỉ đọc các món bạn đã gọi khi họ lấy vé; và nước, trà, khăn ăn và dụng cụ ăn uống đều được phục vụ tự động hoặc tự phục vụ. Một số nơi khác phục vụ tất cả các món bạn cần cho bữa ăn là tabehōdai (食べ放題) hay viking (バイキング).

Đưa tiền tip không phải là thói quen ở Nhật, tuy nhiên những nhà hàng lớn thường áp dụng 10% phí dịch vụ và những nhà hàng gia đình 24h như Denny’s and Jonathan’s thường thu thêm phí phục vụ ban đêm 10%.

Những quán ăn tổng hợp

Mặc dù hầu hết các nhà hàng ở Nhật chỉ chuyên phục vụ một loại đồ ăn nhất định, mỗi khu vực ăn uống lại có một vài nhà hàng shokudō (食堂), nơi phục vụ những món ăn phổ biến và đơn giản và những suất ăn trưa teishoku có giá bình dân (¥500-1000). Hãy thử những quán ăn trong những tòa nhà chính phủ: chúng cũng thường mở cửa cho cả người dân, chúng được trợ giá bằng thuế và nếu món ăn không đặc sắc thì ít ra chất lượng cũng rất tốt. Nếu còn ngờ vực thì hãy thử suất ăn đặc biệt trong ngày hay kyō no teishoku (今日の定食), có hầu như đầy đủ cả món chính, cơm, súp và dưa góp.

Một dạng nhà hàng tương tự là bentō-ya (弁当屋), nơi phục vụ những hộp cơm mang đi gọi là o-bentō (お弁当). Khi đi trên tàu JR, đừng quên thử ekiben (駅弁) đủ loại hay “station bento” – đặc trưng theo từng vùng và thậm chí là mỗi ga.
Sản phẩm chủ yếu của các nhà hàng shokudō là donburi (丼), dịch ra là “bát cơm”, là một bát cơm có thêm thức ăn bên trên. Nhưng loại thông dụng là:
• oyakodon (親子丼) – nghĩa là “bát cơm bố mẹ và con”, thường có thịt gà và trứng (nhưng đôi khi là cá hồi và trứng cá)
• katsudon (カツ丼) – thịt lợn cốt lết chiên giòn và trứng
• gyūdon (牛丼) – thịt bò và hành
• chūkadon (中華丼) – nghĩa là “cơm Trung Hoa”, rau xào và thịt trong lớp tương dày.

Bạn sẽ thường xuyên gặp món ăn phổ biến nhất của Nhật là cơm cà ri (カレーライス karē raisu) – một hỗn hợp nhão màu nâu dày mà hầu như chẳng người Ấn Độ nào có thể nhận ra. Cà ri thường là món ăn rẻ nhất trên thực đơn, vì thế một suất lớn (大盛り ōmori) đảm bảo sẽ làm bạn no căng.

Ở một thái cực khác là những nhà hàng cực kì đắt đỏ ryōtei (料亭), thuộc vào những nhà hàng 3 sao theo đánh giá của Michelin, chuyên phục vụ dân sành ăn kaiseki (会席) và các bữa ăn đều được chế biến từ những nguyên liệu ngon nhất trong mùa. Nếu họ chiếu cố để bạn bước vào – nhiều nơi còn yêu cầu bạn giới thiệu danh tính nữa – bạn hãy chuẩn bị để trả ¥30,000 mỗi người cho trải nghiệm này, và thành thực mà nói, đối với những người bình thường lần đầu tiên đến Nhật thì nó sẽ trôi vèo đi chẳng để lại ấn tượng gì cả.
Mỳ

Ngay cả người Nhật Bản đôi khi cũng muốn thứ gì đó ngoài cơm ra, và sự thay thế dễ thấy chính là mỳ (麺 men). Thực tế là mọi thị trấn và thôn xóm ở Nhật đều tự hào về những món mì nổi tiếng của họ, và hầu hết các món đó đều rất đáng để thử.
Ở Nhật có hai loại mì cơ bản: mì soba to làm từ bột kiều mạch (そば) và mì udon to làm từ lúa mì (うどん). Đặc biệt tất cả các món ở dưới đây đều có thể được yêu cầu phục vụ mì soba hoặc udon phụ thuộc vào sở thích của bạn. Một bát sẽ chỉ có giá vài trăm yên, đặc biệt ở những quán mì chỉ có chỗ đứng ăn ở trong và gần ga tàu.
• kake soba (かけそば) – nước luộc không và có thể có thêm hành phía trên
• tsukimi soba (月見そば) – súp với trứng sống được đập lên trên, được đặt tên là “ngắm trăng” vì giống với hình mặt trăng nấp sau đám mây.
• kitsune soba (きつねそば) – súp với những mảng đậu phụ ngọt mỏng rán giòn.
• zaru soba (ざるそば) – mì lạnh ăn kèm với một loại nước sốt, hành và wasabi; phổ biến vào mùa hè.

Mì trứng Trung Quốc hay rāmen (ラーメン) cũng rất phổ biến nhưng đắt hơn (hơn ¥500) do làm mất nhiều công sức hơn và có nhiều loại gia vị khác bao gồm một lát thịt lợn nướng hay một vài loại rau. Ramen có thể được coi như món ăn nói lên nét đặc trưng của mỗi thành phố, và thực tế thì mọi thành phố tầm cỡ ở Nhật đều có một kiểu ramen độc đáo riêng của mình. Các kiểu ramen chính là:
• rāmen (塩ラーメン) –canh thịt lợn muối (hoặc thịt gà)
• shōyu rāmen (醤油ラーメン) – canh đậu tương, phổ biến ở Tokyo
• miso rāmen (味噌ラーメン) – canh miso (bột đậu tương), xuất phát từ Hokkaido.
• tonkotsu rāmen (豚骨ラーメン) – canh thịt lợn, đặc sản vùng Kyushu
Ăn mì sột soạt có thể chấp nhận được và thậm chí là điều khuyến khích. Người Nhật cho rằng làm như thế sẽ làm nguội bớt mì và khiến chúng ăn ngon hơn. Tất cả nước mì còn sót lại đều có thể uống trực tiếp từ bát.

Sushi và sashimi

Có lẽ món ăn được xuất khẩu nổi tiếng nhất của Nhật chính là sushi (寿司 or 鮨), thường là một loại cá sống đặt trên gạo nấu với dấm, và sashimi (刺身), cá sống. Những món tưởng như rất đơn giản này thực ra lại rất khó để làm đúng cách: cá phải cực kỳ tươi, và người học việc phải mất hàng năm trời chỉ để học cách nấu cơm trộn dấm cho sushi đúng cách, sau đó mới tiếp tục học nghệ thuật chọn được cá tốt nhất ở chợ và cách lọc bỏ đến cái xương cuối cùng khỏi thịt cá.
Có rất nhiều các loại sushi chưa được biết đến đủ để có thể viết thành một cuốn sách, nhưng các loại cơ bản là:
• nigiri (握り) loại sushi truyền thống bao gồm cơm và cá được đặt ở phía trên.
• maki (巻き) – cá và cơm được cuộn lại trong rong biển nori và được cắt ra thành miếng vừa ăn.
• temaki (手巻き) – cá và cơm được cuộn thành hình nón lớn bằng rong biển.
• gunkan (軍艦) – sushi “tàu chiến”, giống như nigiri nhưng rong biển cuộn bên ngoài và xếp thức ăn lên trên
• chirashi (ちらし) – một bát lớn cơm trộn dấm có hải sản phủ lên trên

Gần như tất cả con gì bơi lội hay trườn bò dưới biển cũng có thể làm được thành sushi. Một vài loại hải sản không phải lúc nào cũng sẽ xuất hiện ở các nhà hàng là maguro (cá ngừ), shake (cá hồi), ika (mực), tako (bạch tuộc) và tamago (trứng). Các lựa chọn thú vị hơn bao gồm uni (trứng nhím biển), toro (phần bụng nhiều mỡ của cá ngừ, rất đắt đỏ) và shirako (tinh dịch cá). Bụng cá ngừ có hai mức độ: ō-toro (大とろ), rất béo và đắt, và chū-toro (中とろ), rẻ hơn một chút và ít béo hơn.

Nếu lúc nào đó bạn phải vào quán sushi mà không thể hoặc không muốn ăn cá sống thì cũng sẽ có những lựa chọn khác dành cho bạn. Ví dụ như ở trên đã nói đến tamago, các loại rau ăn kèm với cơm, hoặc inari rất ngon miệng (cơm được cuốn trong đậu phụ ngọt rán giòn). Hay bạn có thể gọi món kappy maki, chỉ gồm một lát dưa chuột cuốn trong cơm và bên ngoài cuốn rong biển.

Ngay cả ở Nhật Bản, sushi cũng là loại món ăn cao lượng, và những nhà hàng sushi đắt đỏ nhất, nơi mà bạn có thể gọi món dần dần từ đầu bếp, có thể khiến hóa đơn của bạn lên tới hàng chục ngàn yên. Bạn có thể giảm thiểu thiệt hại bằng cách gọi những suất moriawase (盛り合わせ) có giá cố định, được đầu bếp chọn những thứ anh ta cho là ngon trong ngày hôm đó. Loại nhà hàng rẻ hơn là nhà hàng sushi kaiten (回転, nghĩa là “quay vòng”) có khắp ở mọi nơi, ở đây bạn ngồi cạnh một băng chuyền và lấy bất cứ món gì thấy ngon mắt, mức giá thì có thể rẻ chỉ ¥100 mỗi đĩa. Ngay cả ở những nơi giá thấp hơn như thế này thì bạn cũng có thể gọi món trực tiếp từ đầu bếp. Ở một số vùng như Hokkaido, quán ăn sushi băng chuyền có chất lượng đồng nhất, nhưng ở những thành phố lớn (đặc biệt là Tokyo và Kyoto), chất lượng thay đổi đáng kể giữa các nơi và ở những nhà hàng hạng thấp thì phục vụ những đồ ăn không khác đồ ăn vặt là mấy.

Khi ăn sushi, ăn bằng tay sẽ rất được hoan nghênh; chỉ cần nhúng miếng sushi vào tương đậu nành và đút cả vào trong miệng. Ở Nhật, các miếng sushi thường đã có sẵn một miếng củ cải wasabi rất cay được đút vào bên trong rồi, nhưng bạn vẫn có thể thêm vào tùy theo khẩu vị. Những miếng gừng muối (gari) làm tươi mới khẩu vị và trà xanh được phục vụ miễn phí và không giới hạn.

Mặc dù sashimi cá là nổi tiếng nhất thì cũng không thiếu các loại sashimi khác dành cho những người thích khám phá. Sashimi cua Hokkaido và sashimi tôm hùm được coi là món ăn đắt tiền và cực kì đáng để thử. Cá voi cũng thỉnh thoảng có bán, mặc dù không phổ biến lắm, và Kumamoto thì nổi tiếng về sashimi thịt ngựa.

Fugu

Fugu (ふぐ) hay cá nóc được coi là món ăn cao lương ở Nhật mặc dù chúng rất độc. Chúng có thể khá đắt do đòi hỏi kĩ thuật điêu luyện khi chế biến để loại bỏ hoàn toàn nội tạng có chứa chất độc bên trong. Mặc dù nguy hiểm tiềm tàng nhưng hầu như sẽ chẳng có chuyện bạn bị ngộ độc chết vì hàng năm các đầu bếp đều được đánh giá kiểm tra rất nghiêm ngặt để bảo đảm kĩ thuật sơ chế của họ đạt tiêu chuẩn, và chính phủ Nhật yêu cầu các đầu bếp mới phải trải qua vài năm học việc dưới sự giám sát của các đầu bếp có kinh nghiệm trước khi được cấp bằng nấu ăn. Vì những yên cầu kĩ năng này, fugu chỉ được phục vụ trong những cửa hàng chuyên biệt gọi là fugu-ya (ふぐ屋). Một điều nhỏ nữa là Nhật hoàng bị cấm ăn loại thức ăn này vì những lý do hiển nhiên trên.

Các món chiên và nướng

Người Nhật không ăn nhiều thịt trước thời kì Minh Trị, nhưng họ đã học được thói quen đó và thậm chí còn đưa những phương thức ăn uống mới ra nước ngoài. Nhưng hãy luôn chú ý đến giá cả, vì thịt (đặc biệt là thịt bò) có thể cực kì đắt và những loại thượng hạng như thịt bò Kobe nổi tiếng có thể có giá vài ngàn hoặc vài chục ngàn yên mỗi suất ăn. Một số món thường được phục vụ trong các nhà hàng chuyên biệt là:
• okonomiyaki (お好み焼き) bánh xèo Nhật Bản- làm từ bột khoai nghiền và bắp cải cùng với thịt hay hải sản tùy chọn, được tưới thêm nước sốt, mayonnaise, vụn cá ngừ, rong biển khô và gừng muối; ở nhiều cửa hàng bạn có thể tự làm bánh tại bàn.
• teppanyaki (鉄板焼き) – thịt nướng trong chảo sắt nóng
• tempura (天ぷら) – tôm, cá và rau tẩm bột chiên qua ngập dầu, dùng với nước chấm.
• tonkatsu (豚カツ) – thịt lợn cốt lết rắc vụn bánh mì được chiên ngập dầu và bày biện một cách nghệ thuật.
• yakiniku (焼肉) – “thịt nướng Hàn quốc” phong cách Nhật Bản, tự nướng tại bàn.
• yakitori (焼き鳥) – loại thịt xiên nướng mọi bộ phận của gà mà bạn có thể tưởng tượng được, đồ đi kèm truyền thống là rượu.

Một đặc sản của Nhật rất đáng tìm kiếm là lươn (うなぎ unagi), được cho là tăng cường sức khỏe và sinh khí trong những tháng hè nóng bức. Một miếng thịt lượn được nướng đúng cách sẽ từ từ tan ra trong miệng khi ăn, và sẽ lấy đi ¥1000 từ ví của bạn.

Một món ăn Nhật cao cấp ít nổi tiếng hơn là cá voi (うなぎ unagi) có vị giống như vị cá nướng và được ăn sống hoặc chín. Tuy nhiên, phần lớn người Nhật không thích cá voi lắm; nó thường được ăn trong các bữa trưa ở trường và vào thời kì chiến tranh khan hiếm, và hầu như không được phục vụ ở các nhà hàng đặc sản như kujira-ya ở Shybuya, Tokyo. Thịt cá voi đóng hộp có thể thấy ở một số cửa hàng tạp phẩm với giá rất cao cho một hộp nhỏ.

Các món lẩu

Đặc biệt trong những tháng mùa đông lạnh giá, các món lẩu (鍋 nabe) là cách phổ biến để làm ấm cơ thể. Các loại thông dụng có:
• chankonabe (ちゃんこ鍋) – lẩu nấu trong nồi hấp rất được các đô vật sumo yêu thích.
• oden (おでん) – hỗn hợp lẩu nhiều loại cá viên, củ cải daikon, đậu phụ và các nguyên liệu khác được ninh trong súp cá nhiều ngày. Món ăn chủ yếu dành cho mùa đông, thường được bán ở các cửa hàng tiện ích và trên đường phố trong các lều yatai dựng tạm.
• sukiyaki (すき焼き) – một loại lẩu thịt bò, đậu phụ, mì và các loại khác, thường hơi ngọt. Nổi tiếng ở phương Tây, nhưng lại không phổ biến ở Nhật.
• shabu-shabu (しゃぶしゃぶ) – một loại lẩu nước trong hoặc nước rất nhạt; những lát thịt rất mỏng (truyền thống là thịt bò, nhưng cũng có hải sản, thịt lợn và các loại khác) được nhúng rất nhanh qua nước nóng để làm chín tức thì, sau đó chấm với nước chấm.

Các món kiểu Tây

Trên cả nước Nhật, bạn có thể tìm được những quán cà phê và nhà hàng phục vụ món ăn phương Tây (洋食 yōshoku), có đủ các loại từ những món giống hệt bánh ngọt Pháp đến từng chi tiết đến những món được Nhật hóa hoàn toàn không thể nhận ra như pizza bắp và khoai tây và mì spaghetti ốp lết. Một vài loại món ăn chỉ có ở Nhật thường thấy là:
• hambāgu (ハンバーグ) – không hề giống với hambāgā của McDonald’s, phiên bản thịt Humburg này chỉ là một miếng thịt băm đi kèm với nước sốt và thức ăn.
• omuraisu (オムライス) – cơm được cuốn trong trứng ốp lết chấm với rất nhiều tương cà.
• wafū sutēki (和風ステーキ) – thịt nấu theo kiểu Nhật Bản dùng với tương đậu nành.
• korokke (コロッケ) món croquettes, thường được nhét đầy khoai tây cùng với thịt và hành
• karē (カレー) – cà ri phong cách Nhật, một loại cà ri mềm màu nâu ăn kèm với cơm; cũng có loại katsu karē với thịt lợn cốt lết.

Vườn bia

Trong những tháng hè không mưa, rất nhiều tòa nhà và khách sạn có nhà hàng trên tầng thượng và phục vụ những món như thịt gà rán và khoai tây chiên và đồ nhắm. Tất nhiên, đặc sản ở đây sẽ là bia lúa mạch 生ビール nama-biiru). Bạn có thể gọi những vại bia lớn hoặc trả một mức giá cố định cho một suất uống-tùy-thích (飲み放題 nomihōdai) trong một khoảng thời gian thường là 2 tiếng đồng hồ. Cocktail và các loại đồ uống khác cũng được bán theo suất uống –tùy –thích.

Đồ ăn nhanh

Các cửa hàng ăn nhanh ở Nhật cung cấp dịch vụ rất chú đáo với giá cả phải chăng. Nhiều chuỗi cửa hàng còn có thực đơn theo mùa rất thú vị và ngon miệng. Một số chuỗi cửa hàng cần biết là:
• Yoshinoya (吉野家), Matsuya (松屋), và Sukiya (すき家) là chuyên gia về gyūdon (thịt bò). Mặc dù thịt bò bị loại khỏi thực đơn một thời gian do lo ngại bò điên, bây giờ nó đã được đưa trở lại.
• Tenya (てんや) cửa hàng tempura ngon nhất bạn có thể ăn với giá dưới ¥500.
• MOS Burger có vẻ giống các cửa hàng ăn nhanh khác, nhưng thực ra lại có thực đơn khá thú vị - muốn thử loại hamburger khác lạ ư, hãy thử lươn nướng kẹp cơm xem! Hãy để ý danh sách các nhà cung cấp địa phương được dán ở mỗi cửa hàng. Vì làm theo yêu cầu nên sản phẩm đảm bảo được độ tươi ngon, và không như các cửa hàng ăn nhanh khác, đồ ăn của Mosburger nói chung nhìn giống y hệt như trên các bức ảnh quảng cáo. Giá thì đắt hơn một chút so với McDonald’s nhưng rất đáng để bỏ tiền. MOS là từ viết tắt của “Mountain, Ocean, Sun.”
• Freshness Burger Thức ăn thì ngon, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần để chứng kiến chiếc burger bé nhất bạn từng thấy.
• Beckers sở hữu bởi JR, những quán ăn nhanh này thường được thấy ở gần các ga JR ở Tokyo và Yokohama. Beckers có loại burger làm theo yêu cầu và burger Menchi (thịt lợn băm). Không như các cửa hàng khác, bánh của họ là bánh mới và được nướng tại cửa hàng. Những bánh mì sẽ bị vứt đi nếu không dùng sau khi nướng 1.5 tiếng. Burger Teriyaki thịt lợn của họ cực kì ngon. Họ cũng phục vụ Poutine, một loại snack French-Canada bao gồm khoai tây chiên, nước sốt và bơ. Cũng nên thử cả lớp ớt phủ nữa. Đôi khi bạn có thể thanh toán bằng thẻ tàu trả trước đa chức năng Suica của JR.
• Ootoya (大戸屋) là một nơi quá tốt để gọi đồ ăn nhanh, với thực đơn và bầu không khí cực đúng kiểu nhà hàng Nhật Bản phong cách bản địa. Mặc dù có thực đơn được minh họa trên các bảng, việc gọi món có thể hơi rối: ở một vài cửa hàng, bạn gọi món ở quầy trước khi vào ngồi, nhưng ở các cửa hàng khác thì phục vụ sẽ đến tận bàn bạn.
• Soup Stock Tokyo là một chuỗi cửa hàng soup thời thượng phục vụ những món súp ngon lành quanh năm, có cả các món súp lạnh cho mùa hè. Cửa hàng này hơi đắt hơn các cửa hàng ăn nhanh khác nhưng có thể nó bổ dưỡng hơn là burger.
• Lotteria : là một nơi bán các loại burger điển hình
• First Kitchen cửa hàng phục vụ các món ăn ngoài tầm giá đồ ăn nhanh thông thường, bao gồm mì ống, pizza và khoai tây chiên với rất nhiều vị khác nhau.
• Coco Ichibanya phục vụ cà ri phong cách Nhật với rất nhiều thành phần để lựa chọn . Có thực đơn Tiếng Anh
Các cửa hàng ăn nhanh của Mỹ cũng có mặt ở khắp nơi, bao gồm McDonald’s, Wendy’s và Kentucky Fried Chicken. Các cửa hàng Mc’Donald’s xuất hiện rộng rãi như những máy bán hàng tự động vậy.
Có một số nhà hàng gia đình Nhật Bản, phục vụ nhiều món ăn, bao gồm thịt, mì ống, các món Trung Quốc, bánh mì kẹp và các loại khác. Mặc dù thức ăn của họ khá là nhàm chán, những nhà hàng này lại thường có thực đơn có hình minh họa, vì vậy những du khách không đọc được tiếng Nhật có thể dựa vào hình để chọn và gọi món. Một số cửa hàng trên toàn nước Nhật là:
• Jonathan’s có lẽ là chuỗi cửa hàng địa phương phổ biến nhất. Skylark được sở hữu bởi cùng một công ty và có mức giá tương đương, có cả một quầy ba đồ uống rẻ và không giới hạn, nên những nhà hàng này là nơi rất hợp để đọc sách hay nghỉ ngơi lâu dài. Denny’s cũng có rất nhiều cửa hàng ở Nhật.
• Royal Host – đang cố gắng để trở thành cửa hàng cao cấp
• Sunday Sun – thực đơn và thức ăn ngon, giá cả hợp lý
• Volks – chuyên về các loại thịt, có quầy salad lớn.

Quán cà phê

Mặc dù Starbucks đã chiếm lĩnh ở thị trường Nhật Bản như với ở Mỹ, những quán cà phê kissaten (喫茶店) Nhật có một lịch sử rất lâu đời. Nếu bạn thực sự muốn lên tinh thần bằng chất caffeine thì hãy đến Starbucks hoặc một trong những quán cà phê Nhật Bản như Doutor. Nhưng nếu bạn đang cố gắng tránh mưa, tránh nóng hay tách xa đám đông một lúc thì kissaten đúng là ốc đảo giữa rừng xanh. Hầu hết các quán cà phê đều cực kì độc đáo và phản ánh gu thẩm mĩ của khách hàng. Ở một quán cà phê Ginza, bạn sẽ thấy dáng dấp phong cách bài trí châu Âu và những chiếc bánh ngọt cao cấp. Ở một quán cà phê Otemachi, những thương nhân mặc áo vét bận rộn bên những chiếc bàn thấp trước khi gặp khách hàng. Ở những quán cà phê mở suốt đêm của Roppongi, những con cú đêm dừng chân nghỉ sau những lần đi club, và ngủ li bì cho đến khi chuyến tàu buổi sáng bắt đầu chạy.

Một loại kissaten đặc biệt là jazz kissa (ジャズ喫茶) hay quán cà phê jazz. Những quán này còn tối hơn và nhiều khói thuốc lá hơn các quán kissaten bình thường, và thường được những người nghiền nhạc jazz ghé tới, ngồi một mình không biểu lộ cảm xúc, chìm đắm trong điệu nhạc bebop phát ra với âm lượng lớn từ những chiếc loa khổng lồ. Bạn có thể đến jazz kissa để nghe nhạc; nhưng để nói chuyện thì không nên chút nào.

Một loại khác nữa là danwashitsu (談話室). Bề ngoài thì không có gì khác biệt với các kissaten đắt tiền, nhưng thường dành riêng cho những cuộc luận bàn nghiêm túc về những vấn đề như kinh doanh hay những cuộc hẹn xem mặt. Tất cả các bàn đều có ô riêng, yêu cầu phải đặt chỗ trước và đồ uống thì rất đắt. Vì vậy đừng đi vào những chỗ đó làm gì nếu bạn chỉ đang muốn tìm cà phê để uống.

Cửa hàng tiện ích

Nếu bạn đi du lịch giá rẻ, những cửa hàng tiện ích của Nhật (コンビニ konbini) là nơi tuyệt vời để ăn uống, và hầu hết chúng đều mở cửa 24/7. Các cửa hàng lớn là 7-Eleven, Lawson và Family Mart. Bạn có thể tìm thấy mì tôm, sandwich, bánh mì thịt và cả thịt đã chế biến và chỉ cần hâm nóng trong lò vi sóng ngay tại cửa hàng. Một lựa chọn tuyệt vời cho chuyến đi là onigiri (hay omusubi), một loại cơm nắm to được nhét đầy cá hoặc mận ngâm, cuốn trong tảo biển và thường có giá khoảng ¥100.

Hầu hết các cửa hàng tiện ích ở Nhật đều có phòng nghỉ ở phía sau. Trong khi phần lớn các cửa hàng ở khu vực ngoại ô và thành phố đều cho khách sử dụng phòng tắm thì ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở các khu trung tâm và giải trí của Tokyo và Osaka, lại không được phép. Vì vậy, bạn nên hỏi trước ở quầy thu ngân xem bạn có được dùng phòng tắm không, rồi mua các đồ dùng cần thiết sau coi như để tỏ lòng cảm ơn.

Siêu thị

Đối với những ai đi du lịch cực kì tiết kiệm, hầu hết các siêu thị (sūpā) đều có rất nhiều loại đồ ăn sẵn, cơm suất, sanwich, snack và những thứ tương tự, thường rẻ hơn là cửa hàng tiện ích. Một số siêu thị thậm chí còn mở cửa 24 tiếng một ngày.

Một nơi ở Nhật Bản đáng để xem qua là depachika (デパ地下) hay cửa hàng bách hóa, có bán cả tá những loại đặc sản địa phương từ những gói trà trang nhã, những gói kẹo lịch sự cho đến sushi tươi ngon và đồ Trung Quốc mua mang về. Chúng thường hơi đắt tiền một chút, nhưng hầu hết đều có những hàng mẫu để dùng thử và thế nào cũng có một vài thứ có giá khá vừa phải lẫn trong đó. Buổi tối, rất nhiều hàng hóa chưa bán hết được hạ giá, vì thế hãy để ý tìm những mảnh giấy ghi hangaku (半額, "nửa giá"), hay san-wari biki (3割引, "giảm 30%") để mua được hàng rẻ. 割 có nghĩa là 1/10 và 引 có nghĩa là “giảm giá”.

Ăn chay

Mặc dù luôn được xem là có phong cách ăn uống lành mạnh và nhẹ nhàng, những thức ăn Nhật hàng ngày có thể sẽ có khá nhiều muối và chất béo, với sự phổ biến của thịt và hải sản chiên giòn. Những người ăn chay có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm cho mình một bữa ăn không có những sản phẩm từ động vật; nhất là ở những cửa hàng súp Nhật thì dashi thường được làm từ cá và thường được thêm vào miso, cơm cháy, cà ri, ốp lết (bao gồm cả sushi tamago) và mì tôm, còn muối thì hầu như được dùng trong tất cả các món ăn phương Tây. Đặc biệt, súp mì soba và udon hầu như lúc nào cũng dùng cá ngừ bào katsuodashi, và món ăn duy nhất an toàn đối với người ăn chay trên thực đơn của các quán mì là zarusoba hay mì lạnh loại thường – nhưng ngay cả thế thì món nước chấm cũng lại có dashi.

Một lựa chọn tuyệt vời là cửa hàng sushi kaiten (băng chuyền). Người phương Tây thường liên tưởng sushi với cá, nhưng thực ra có rất nhiều loại sushi cuốn không có cá hay các loại sinh vật biển khác được bán ở các cửa hàng này, ví dụ như kappa maki (cuốn dưa chuột), nattō maki (sushi có nhân là đậu tương lên men đặc sệt, món yêu thích của rất nhiều người), kanpyō maki (cuốn dưa bầu), và thỉnh thoảng có cả món yuba sushi (làm từ lớp da đậu phụ rất ngon và mềm). Những loại sushi này thường kém phổ biến hơn những sushi dùng sản vật biển, vì vậy có thể bạn sẽ không nhìn thấy chúng xuất hiện lại trên băng chuyền. Lúc này chỉ cần gọi to tên của loại sushi bạn muốn ăn và người đầu bếp sushi sẽ làm cho bạn ngay. Khi sắp rời đi, hãy gọi phục vụ đến và người ta sẽ đếm đĩa ăn của bạn. Những món sushi chay lúc nào cũng rẻ.

Đối với những ai sống ở các thành phố lớn, đặc biệt là Tokyo, một lựa chọn tối ưu là thức ăn hữu cơ hay macrobiotic food, gọi là shizenshoku (自然食). Trong khi “đồ ăn chay” (vegetarian food) đang trở nên khá nhàm chán và không ngon lành đối với người Nhật, thì shizenshoku lại khá là thịnh hành, mặc dù một bữa ăn có thể có giá đến ¥3000 và thực đơn có thể sẽ có khá nhiều hải sản. Mặc dù rất khó để tìm nhưng cũng rất đáng để thử tìm một nhà hàng (thường ở các chùa) có món shōjin ryori (精進料理), một món ăn chỉ có rau được phát triển bởi các nhà sư. Món này được đánh giá rất cao và vì vậy thường rất đắt, nhưng nếu bạn ở trong chùa thì có thể mua với giá vừa phải.

Thật may là những món ăn Nhật Bản truyền thống có chứa rất nhiều protein nhờ các loại thức ăn từ đậu tương, ví dụ như: đậu phụ, miso, natto và edamame (đậu tương xanh còn non trong vỏ). Tại những khu bán thức ăn sẵn trong siêu thị và tầng trệt của cửa hàng bách hóa, bạn có thể tìm được rất nhiều món chứa nhiều loại đậu tương khác nhau, ngọt hay cay đều có cả.